Chóng mặt, biểu hiện của bệnh gì?
Gần đây tôi có biểu hiện đang đứng bỗng dưng bị chóng mặt, khi đi lại phải nhìn thẳng, nếu quay ngang cũng chóng mặt.
Tôi bị bệnh tăng huyết áp và vẫn uống thuốc đều... Xin hỏi bác sĩ đó có phải là biểu hiện của tai biến không? Cách điều trị thế nào?
Nguyễn Thành Nam(Hà Nội)
Có rất nhiều bệnh có biểu hiện chóng mặt, trong đó các bệnh liên quan tới hệ tim mạch phải kể đến là: thiểu năng ôxy não, thiếu máu não do tổn thương hệ tuần hoàn đốt sống thân nền, hạ huyết áp, tăng huyết áp, xơ hóa mạch máu, các bệnh về tim mạch, hẹp quai động mạch chủ, rối loạn thần kinh tim, phồng động mạch cảnh... cũng gây nên chóng mặt.
Về điều trị: Điều cơ bản là điều trị theo nguyên thì chóng mặt mới khỏi được. Nhưng việc chẩn đoán nguyên nhân có những khó khăn.
Cho nên trước một bệnh nhân chóng mặt thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng cho người bệnh dễ chịu.
Ngoài việc dùng thuốc người bệnh cần nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh nơi làm việc nguy hiểm như trên cao, chạy máy, lái xe...
Nếu chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thì bệnh nhân nên tự tập nằm nghiêng một bên, đợi cho hết chóng mặt khoảng 30 giây rồi chuyển sang bên.
Làm cho đến khi hết chóng mặt thì thôi. Nghỉ 3 tiếng đồng hồ rồi lại tập tiếp, tập 2 ngày liền. Nếu chóng mặt tăng cần khám tại cơ sở y tế để tìm nguyên nhân từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị cụ thể.
theo Sức khỏe Đời sống
Đây là biểu hiện khi bạn bị tụt huyết áp. Tuy nhiên, nhiều người đang chủ quan vì không hiểu hết mối nguy hiểm của căn bệnh này.
Bệnh nguy hiểm ra sao?
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đặng Xuân Tin - PK Đa khoa DrBinh Tele-Clini cho hay hiện nay tỷ lệ người bị huyết áp thấp đang ngày càng tăng, chiếm khoảng 5-7% dân số trưởng thành. Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam.
Người huyết áp thấp thường có biểu hiện mệt mỏi, lả, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ cáu, cảm giác buồn nôn, có thể suy giảm khả năng tình dục, da khô và nhăn nheo, kèm theo rụng tóc, vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh, thở dốc, nói như hụt hơi nhất là sau khi leo lên cầu thang, làm việc nặng, thay đổi tư thế hay choáng váng, xây xẩm mặt mày…
“Có nhiều nguyên nhân gây nên huyết áp thấp như rối loạn chức năng vỏ não của trung khu thần kinh vận mạch; sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tim, thận, hệ tiêu hóa hoặc do hệ thống thần kinh tự động không tự điều chỉnh được.
Ngoài ra còn do mắc một số bệnh mạn tính gây thiếu máu, kém dinh dưỡng kéo dài, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn, suy giáp, suy thượng thận.
Tất cả nguyên nhân đó gây suy giảm áp lực bơm máu và thể tích máu dẫn đến huyết áp thấp”, bác sĩ phân tích.
Bác sĩ Đặng Xuân Tin còn đặc biệt nhấn mạnh đời sống căng thẳng, môi trường sống và làm việc ô nhiễm, xu hướng lạm dụng hóa chất trong bảo quản thực phẩm hiện nay đã làm cho bệnh huyết áp thấp ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên nhiều người hiện đang xem nhẹ căn bệnh này, dẫn đến những biến chứng khó lường. Trong khi nhiều người lo sợ vì huyết áp cao thì ngược lại rất ít người quan tâm tới huyết áp thấp.
Bác sĩ khuyến cáo bất kỳ sự tăng - giảm nào so với mức bình thường đều nguy hiểm.
“Về nguyên tắc, huyết áp càng thấp càng dễ bị mất trí nhớ. Huyết áp giảm 10 mmHg, nguy cơ bị mất trí tăng 20%, người có huyết áp thấp kéo dài liên tục trong 2 năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp 2 lần.
Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Đây cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch não”, bác sĩ Tin khuyến cáo.
Dự phòng huyết áp thấp
Theo bác sĩ này, nhiều người bị huyết áp thấp là do thành mạch máu quá yếu, sức co bóp của tim giảm do cơ tim yếu. Để củng cố thành mạch và nâng cao khả năng đẩy máu của tim, bệnh nhân cần tích cực tập luyện thể dục thể thao.
Các bài tập đi bộ, chạy, bơi, thể dục nhịp điệu, cầu lông, phù hợp với thể lực đều rất tốt trong việc giảm chứng huyết áp thấp.
Ông cho biết thêm khi chúng ta ngủ, máu tập trung vào gan, phổi, lách, nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời.
Vì vậy, khi thức dậy, bạn cần nằm thêm một lúc, thực hiện vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy, để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống, ngồi một lúc rồi mới đứng lên.
Trong sinh hoạt hàng ngày, người bệnh cũng cần tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên thở sâu vài phút trước khi đứng lên để tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận của cơ thể.
Khi có hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, bạn cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Ngoài ra, cần thận trọng khi xông hơi, tắm nước nóng để tránh nguy cơ tụt huyết áp do mất nước, giãn mạch.
“Người bị huyết áp thấp vẫn có thể mắc bệnh tăng huyết áp, nhất là ở tuổi trên 50, vì vậy cần thường xuyên kiểm tra huyết áp để có thể điều chỉnh cho hợp lý”, bác sĩ Tin cho biết thêm.
theo zing.vn