Các chất FDA cấm trong xà phòng độc hại thế nào?
Mới đây, cơ quan dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ đã cấm sử dụng 19 hoá chất trong sản xuất xà phòng diệt khuẩn, trong đó nổi bật nhất là chất triclosan và triclocarbon…
Ảnh hưởng đến nội tiết
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS, Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức – Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, ông đã có rất nhiều cảnh báo về chất triclosan và triclocarbon đối với các sản phẩm diệt khuẩn như kem đánh răng, nước rửa tay diệt khuẩn, xà phòng diệt khuẩn.
PGS Nguyễn Hữu Đức cho biết, từ những năm 2010, FDA đã có những yêu cầu các doanh nghiệp phải xem xét mức độ an toàn của các chất triclosan và triclocarbon nếu không xem xét được độ an toàn phải thay thế sang chất khác ít ảnh hưởng, an toàn với con người.
Tuy nhiên, PGS Đức theo dõi thì hầu hết đều không có báo cáo của doanh nghiệp nào về các chất này. Chính vì thế, FDA mới cấm không cho sử dụng và trong vòng 1 năm các doanh nghiệp phải tìm ra các chất khác.
PGS Đức cho biết đó là ở Mỹ, còn Việt Nam cho đến nay Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vẫn chưa có "động tĩnh" gì.
PGS Đức đứng ở góc độ của một dược sĩ, ông rất lo lắng bởi những tác hại của triclosan đã được các nhà khoa học chỉ ra.
Triclosan là chất có thể phá vỡ nội tiết của con người, triclosan có thể cho tác dụng ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng một số hoóc-môn trong cơ thể.
Theo PGS Đức, vào năm 2006, đã có một nghiên cứu cho thấy triclosan dùng ở liều thấp có thể ảnh hưởng đến hoóc-môn tuyến giáp và nghiên cứu này thực hiện trên một loài ếch (bullfrog) ở Bắc Mỹ.
Nghiên cứu này dẫn đến giả thuyết cho rằng triclosan ức chế tác dụng hoóc-môn tuyến giáp bằng cách gắn vào các thụ thể làm cho hoóc-môn tuyến giáp không có chỗ gắn vào để phát huy tác dụng.
Không chỉ thể, vào năm 2009, tricolosan đã ghi nhận được các chuyên gia nghiên cứu cho rằng nó có thể làm thay đổi nồng độ hoóc-môn tuyến giáp trong máu và nghiên cứu này được tiến hành trên chuột thí nghiệm.
Ngoài ảnh hưởng tới nội tiết tuyến giáp, triclosan và triclocarbon còn được các nghiên cứu trên động vật cho rằng nó ảnh hưởng trực tiếp tới hooc môn sinh dục nữ estrogen và hooc môn sinh dục nam testosterone.
Nguy cơ kháng kháng sinh
Ngoài ra, triclosan có tính diệt khuẩn và nguy cơ kháng kháng sinh từ triclosan mang lại rất lớn vì thế các chuyên gia y tế cộng đồng đều lên tiếng cảnh báo về mức độ nguy hiểm của chất này.
PGS Nguyễn Hữu Đức cho biết triclosan được xem là chất có tính chất sát khuẩn bởi vì nó diệt được cả nấm. Nó được sử dụng rộng rãi hơn 40 năm qua.
Tuy nhiên, có nghiên cứu chỉ ra rằng, triclosan có thể làm một số chủng vi khuẩn đề kháng chéo, khi vi khuẩn tiếp xúc triclosan có đề kháng một số với một số loại kháng sinh. Đây thực sự là nguy cơ gây ra kháng kháng sinh mà chúng ta đang gặp phải hiện nay.
Do đó, các nhà sản xuất đã cho vào để áp dụng tính chất này của triclosan trong sản phẩm mỹ phẩm, nước tẩy rửa để sử dụng cho các bộ phận trong cơ thể có nguy cơ nhiễm khuẩn và sinh mùi hôi như chân, nách…
Ngoài ra, triclosan không hoà tan trong nước và ở điều kiện môi trường, triclosan có thể kết hợp với clo chứa trong nước máy để tạo hợp chất cloroform là chất theo cơ quan EPA Mỹ (US Enviromental Protection Agency) có nguy cơ sinh ung thư.
Lại có nguồn tin cho rằng triclosan có thể kết hợp với clo có trong nước máy để tạo thành 2,4-diclorophenol, và chất sau này khi gặp tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời biến thành chất độc dioxin. Tuy nhiên, nguy cơ sinh ra dioxin là rất thấp, gần như không đáng kể.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia y tế công cộng đang công tác tại WHO Việt Namcho rằng, việc FDA cấm sử dụng các hoá chất kia hoàn toàn đúng.
Theo ý kiến cá nhân của Thạc sĩ Lâm thì rửa tay bằng xà phòng thông thường, không cần hoá chất diệt khuẩn vẫn có thể đẩy sạch được vi khuẩn bởi khi rửa thì vi khuẩn cũng bị cuốn trôi đi cùng vết bẩn.
Việc sử dụng các hoá chất diệt khuẩn được các nhà sản xuất quảng cáo cũng chỉ là chiêu thức kinh doanh của họ nhưng các chuyên gia lo ngại nhất đó là các hoá chất như triclosan, triclocarbon thải ra môi trường rất nguy hiểm với sức khoẻ của con người.
Triclosan và một số chất Clo gắn với nhân benzen trong các loại xà phòng kháng khuẩn, nếu dùng thường xuyên, có thể thẩm thấu qua da và tích lũy trong mô mỡ, về lâu dài có thể gây nguy hại cho sức khỏe.
Thạc sĩ Lâm khuyến cáo không cần sử dụng các loại xà bông, mỹ phẩm, kem đánh răng có chứa các thành phần như trên chúng ta vẫn đẩy sạch được vi khuẩn.
theo Trí Thức Trẻ